Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Bài học kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý ngân sách nhà nước, tài sản công qua công tác thanh tra, kiểm tra tại Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, chỉ đạo và xác định rõ đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài mang tính trọng tâm, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước công tác quán triệt, tuyên truyền các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC của Sở Tài chính được thực hiện đồng bộ, hiệu quả và đi vào chiều sâu. Các biện pháp phòng ngừa PCTNTC thực hiện thường xuyên và ngày càng hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra PCTNTC không ngừng được tăng cường, kịp thời phát hiện các sai phạm trong một số lĩnh vực như: Quản lý ngân sách nhà nước, tài chính - kế toán, tài sản công…
Hàng năm, Thanh tra Tài chính đã tiến hành trung bình 6-8 cuộc thanh tra. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật xảy ra trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước. Trong thời gian qua (giai đoạn từ năm 2018 đến nay), Thanh tra Sở Tài chính đã triển khai 51 cuộc thanh tra, qua thanh tra phát hiện sai phạm trong quản lý kinh tế số tiền 10.567 triệu đồng, kiến nghị thu hồi 5.810 triệu đồng; kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 03 cuộc kiểm tra chuyên ngành đối với 18 doanh nghiệp phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với 04 doanh nghiệp với tổng số tiền 105 triệu đồng
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Thanh tra Sở Tài chính đã có biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý, phòng ngừa sai phạm tại các đơn vị được thanh tra và có những kiến nghị nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, từ đó góp phần ngăn chặn có hiệu quả hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTNTC vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn còn hạn chế; việc triển khai thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn vướng mắc, lúng túng như xác minh tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích; chất lượng một số cuộc thanh tra, kiểm tra chưa cao….
Nguyên nhân là do công tác PCTNTC luôn là lĩnh vực công tác khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tập trung sự chỉ đạo, điều hành cũng như sự nỗ lực thực hiện của cấp ủy, toàn thể công chức và người lao động. Việc giám sát cán bộ, công chức để phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực còn chưa chặt chẽ; số lượng công chức của thanh tra Sở có xu hướng ngày càng giảm, trong khi số lượng công việc phát sinh ngày càng nhiều, từ đó ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng công tác
Thực hiện Kế hoạch số 1992/KH-TTCP ngày 25/9/2024 của Thanh tra Chính phủ; Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 08/10/2024 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc sơ kết 05 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Từ kết quả đạt được những tồn tại hạn chế và nguyên nhân trong công tác quản lý ngân sách nhà nước, tài sản công; công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua, Sở Tài chính đã đúc kết được một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, trong công tác PCTNTC; quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và chủ động phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh những người có hành vi tham nhũng.
Hai là, Ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát ngân sách, sử dụng tài sản: Sử dụng các phần mềm quản lý tài chính, ngân sách; quản lý tài sản để tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong giám sát. Các phần mềm này giúp tự động hóa quy trình theo dõi, kiểm soát và tổng hợp số liệu, giảm thiểu sai sót trong quá trình quản lý ngân sách, quản lý tài sản.
Ba là, Nâng cao hiệu quả của các đợt kiểm tra, thanh tra: Cơ quan Tài chính cần thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất tại các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách để kịp thời phát hiện sai phạm. Các nội dung kiểm tra cần tập trung vào việc tuân thủ quy định pháp luật về quản lý ngân sách, quản lý sử dụng tài sản công đặc biệt là các khoản chi không đúng mục đích, vượt định mức, tiêu chuẩn
Bốn là, Coi trọng công tác xử lý sau thanh tra; theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở, yêu cầu đối tượng thanh tra thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; thông qua hoạt động thanh tra chú trọng việc phát hiện, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực được thanh tra.
Năm là, Nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ quản lý tài chính, quản lý tài sản công: Đội ngũ cán bộ kế toán thường xuyên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng. Đẩy mạnh nhận thức về trách nhiệm cá nhân đối với việc sử dụng ngân sách, sử dụng tài sản công đảm bảo sự minh bạch, công khai trong chi tiêu. Áp dụng các hình thức khen thưởng, xử phạt đối với các cán bộ tài chính thực hiện tốt hoặc vi phạm.
Để nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC trong quản lý ngân sách nhà nước, tài sản công, từ thực tiễn, trong thời gian tới với chức năng và nhiệm vụ của Sở Tài chính cần chú trọng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể như sau:
(1) Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Luật PCTN năm 2018; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN năm 2018; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về công tác PCTNTC.
(2) Hoàn thiện quy trình lập, phân bổ và quyết toán ngân sách: Cải thiện công tác lập dự toán; quy trình phân bổ ngân sách minh bạch; tăng cường công tác quyết toán và báo cáo tài chính.
(3) Thực hiện chế độ tiết kiệm, chống lãng phí: Xây dựng kế hoạch chi tiêu hợp lý; Triển khai các biện pháp chống lãng phí.
(4) Tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách.
(5) Công tác quản lý, sử dụng tài sản công: Thực hiện tốt tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Lạng Sơn; khẩn trương rà soát, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng nhà, đất hoàn thiện thủ tục giao đất, cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để kê khai, sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo đúng quy định hiện hành; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản công; thực hiện nghiêm các quy định về công khai trong các lĩnh vực; nâng cao chất lượng công tác tham mưu; thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm trong quản lý tài sản công.
(6) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các dự án lớn có liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài chính ngân sách, mua sắm tài sản công… để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực
- Tăng cường công tác tự kiểm tra nội bộ theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.
(7) Củng cố tổ chức bộ máy Thanh tra Sở đảm bảo đủ số lượng, chuẩn hoá về chất lượng; nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, tổ chức thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật.
(8) Thực hiện nghiêm túc, kịp thời yêu cầu giám định, định giá tài sản theo yêu cầu của cơ quan điều tra các cấp; có biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, cố tình kéo dài thời gian giám định, định giá trong xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến tham nhũng, kinh tế, tiêu cục.
Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Chánh Thanh tra Sở Tài chính