Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Tài Chính

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tài chính Lạng Sơn tạo nguồn thu ổn định cho các hoạt động kinh tế

Tài chính Lạng Sơn

Tạo nguồn thu ổn định, phân bổ hợp lý để phục vụ các

mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

 

Thu ngân sách năm 2001 của tỉnh Lạng Sơn đã đạt trên 1.000 tỷ đồng. Từ đó đến nay, con số này tuy chưa được lặp lại nhưng nhìn chung các khoản thu đều đạt và vượt so với dự toán hàng năm. Công tác chi ngân sách đã có những hỗ trợ tích cực đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh, mở ra khả năng mới để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.

 

Thách thức đặt ra cho ngành tài chính Lạng Sơn để thực hiện kế hoạch được giao qua từng năm quả là không nhỏ. Bởi thực tế Lạng Sơn vẫn là một tỉnh nghèo, quy mô sản xuất còn nhỏ bé, khả năng cạnh tranh hàng hoá thấp. Thu ngân sách của tỉnh chủ yếu dựa vào cửa khẩu mà luồng hàng ở nhiều nơi, nhiều phía lại thiếu ổn định. Tuy nhiên, những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội cùng với hệ thống các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước ngày càng hoàn thiện, sự chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền là cơ sở vững chắc để ngành phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

 

Thu ngân sách được coi trọng

Ngay sau khi có quyết định giao dự toán hàng năm của Bộ Tài chính, tỉnh đã chỉ đạo việc phân bổ và giao dự toán thu - chi ngân sách cho các ngành, các huyện, thị trong tỉnh, để từng đơn vị chủ động khai thác các nguồn thu tại địa bàn, đồng thời trên cơ sở đó bố trí các khoản chi ngay từ đầu năm. Nhờ vậy, trong những năm qua, hoạt động thu ngân sách của tỉnh đã được coi trọng và đạt số thu cao, vượt trên 100% so với dự toán.

Nguồn thu của tỉnh chủ yếu đến từ 2 nguồn, đó là thu xuất nhập khẩu và thu nội địa. Trong đó, từ sau năm 2001, thu xuất nhập khẩu đã giảm đáng kể do có sự thay đổi của Chính phủ về chính sách nội địa hoá các linh kiện xe máy. Năm 2004, thu xuất nhập khẩu chỉ đạt 400 tỷ đồng, tăng 1,3 so với năm 2003. Tuy nhiên, với nỗ lực nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực từ nguồn thu thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu, ngành hải quan cùng các ngành chức năng đã thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tại các cửa khẩu, chỉ đạo tốt việc thực hiện các văn bản hướng dẫn của cấp trên về công tác kiểm tra thu thuế, cải cách thủ tục xuất nhập khẩu và kiểm tra hàng hoá. Thông qua những đổi mới này, tỉnh đã tạo dựng được hành lang pháp lý thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút ngày càng nhiều lượng hàng qua cửa khẩu, góp phần tăng thu ngân sách.

Ngược lại với thu xuất nhập khẩu, nguồn thu nội địa lại tăng lên qua từng năm. Năm 2004, thu nội địa đạt 227 tỷ đồng, tăng 14,9% năm 2003, tăng 1,8 lần so với năm 1999. Các doanh nghiệp nhà nước Trung ương, hoạt động kinh doanh tương đối ổn định, chủ yếu tập trung vào ngành điện lực và bưu điện. Những đơn vị này đều đạt vượt mức kế hoạch năm trên 50% trở lên và tăng hơn so với cùng kỳ nên đảm bảo nộp ngân sách theo đúng kế hoạch.

Các doanh nghiệp nhà nước địa phương được tỉnh quan tâm hỗ trợ, nên đã dần ổn định sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, nguồn thu từ khối doanh nghiệp nhà nước tại địa phương không ổn định do hoạt động sản xuất - kinh doanh không đồng đều. Bên cạnh một số doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, thực hiện tốt quy trình kê khai nộp thuế, còn có những doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ, không có khả năng nộp ngân sách.

Thu thuế khu vực ngoài quốc doanh là nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nội địa. Số thu của tất cả các sắc thuế ở khu vực này đều đạt và tăng so với cùng kỳ năm trước và vượt so với dự toán mà Trung ương giao do thực hiện tốt chế độ kế toán với hộ tư nhân, tăng cường kiểm tra mở sổ sách theo quy định của Nhà nước. Cụ thể: năm 2002, thu thuế ngoài quốc doanh đạt 110% dự toán Trung ương giao, đạt 107% dự toán tỉnh giao và bằng 117,4% so với cùng kỳ năm 2001.

Nguồn thu ngân sách từ các huyện, thành phố đều đạt tiến độ. Một số huyện có số thu hoàn thành dự toán giao đầu năm là Hữu Lũng, Bắc Sơn, Cao Lộc, Bình Gia, Văn Quan,...

Nguồn: Sở Tài chính Lạng Sơn.

 

Đổi mới hoạt động chi ngân sách

Trong những năm gần đây, chi ngân sách của Lạng Sơn đã có những đổi mới rõ rệt thông qua thực hiện cải cách về thủ tục hành chính trong cấp phát ngân sách, bỏ khâu trung gian, cấp thẳng cho đơn vị dùng ngân sách theo dự toán đã được phê duyệt. Các huyện, thành phố được mở rộng quyền hạn nhằm tạo tính chủ động khi sử dụng ngân sách trực tiếp từ khâu lập dự toán, điều hành và quyết toán ngân sách với cơ quan tài chính.

Các khoản chi đầu tư phát triển đã được ngành tài chính cấp phát kịp thời, đảm bảo nguồn vốn cho các công trình để thi công theo đúng tiến độ quy định. Về chi cho sự nghiệp phát triển kinh tế, ngoài các khoản trợ giá cước những mặt hàng chính sách cho miền núi bằng kinh phí uỷ quyền của ngân sách Trung ương khoảng 7.480 triệu đồng, đến năm 2003, ngân sách tỉnh cố gắng bố trí 6.378 triệu đồng để trợ giá giống cây trồng, cước phân bón, cước xi măng, trợ giá thu mua chè, hỗ trợ tỷ giá vay ngân hàng cho các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả,... góp phần thúc đẩy kinh tế Lạng Sơn phát triển. Một số doanh nghiệp nhà nước được tỉnh dành 3.200 tỷ đồng hỗ trợ vốn cho cải tiến kỹ thuật nhằm tăng năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh.

Chi cho sự nghiệp văn hoá - xã hội đạt và vượt dự toán giao, trong đó ngành giáo dục - đào tạo đạt 111,3%, bằng 125% so với cùng kỳ năm 2002; sự nghiệp y tế đạt 101% so với dự toán tỉnh giao; nghiên cứu khoa học đạt 109,8% dự toán; văn hoá - thông tin đạt 110,2%,...

Với những nỗ lực trong công tác chi ngân sách, tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều có những chuyển biến tích cực. Đến cuối năm 2003, quy mô giáo dục - đào tạo của Lạng Sơn ngày càng được mở rộng cả về số lượng và chất lượng với số học sinh các cấp ngày càng được tăng lên, tỷ lệ thi tốt nghiệp đạt cao hơn năm trước. Các phòng học tranh, tre, nứa lá từng bước được xoá bỏ. Đội ngũ giáo viên được tỉnh khuyến khích, động viên bằng những chính sách cụ thể, thiết thực như: xây dựng nhà ở cho những cán bộ vùng sâu, vùng xa; áp dụng chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Công tác khám chữa bệnh của ngành y tế được tăng cường; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ y tế được nâng lên; các phường, xã đều có trạm y tế phục vụ sức khỏe cho nhân dân.

Với nguồn chi ngân sách ngày càng được tăng cường, ngành khoa học - công nghệ và môi trường đã triển khai 11 đề tài nghiên cứu mới thuộc các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, văn hoá - xã hội và 25 đề tài chuyển tiếp từ những năm trước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, triển khai ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đời sống, tiến hành triển khai thực hiện chương trình tin học hoá quản lý hành chính Nhà nước của tỉnh giai đoạn 2001 - 2005.

 

Thách thức và giải pháp

Kết quả thu chi ngân sách trên cho thấy, sự chỉ đạo của tỉnh và những cố gắng nỗ lực của ngành tài chính và các cấp, ngành, huyện, thị là rất lớn. Song tình hình thu ngân sách chưa đạt kết quả cao, nguyên nhân có nhiều, nhưng nổi lên vẫn là một số doanh nghiệp nhà nước, nhất là các doanh nghiệp thuộc ngành thương mại kinh doanh kém hiệu quả, quản lý tài chính lỏng lẻo, dẫn đến vay nợ hàng chục tỷ đồng, không có khả năng thanh toán. Một số doanh nghiệp tư nhân không chịu nộp thuế hoặc tìm mọi cách để khai man trốn thuế. Công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại chưa được các ngành, các cấp thực hiện có hiệu quả. Tình trạng buôn lậu trên một số tuyến đường mòn qua biên giới vẫn còn.




Du khách đang mua hàng tại chợ Đông Kinh

Ảnh: Thanh Hương

Một hạn chế lớn nữa là trong những năm qua, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quản lý, điều hành xuất nhập khẩu hết sức thông thoáng, nhưng phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu mang tính chất "buôn chuyến", chưa tiếp xúc với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc để có chiến lược xuất nhập khẩu ổn định lâu dài. Các doanh nghiệp chưa nắm chắc thông tin về thị trường, giá cả, nhu cầu đích thực về số lượng, chủng loại hàng hóa của thị trường, nên thường gặp rủi ro lớn trong kinh doanh xuất nhập khẩu. Các mặt hàng xuất nhập khẩu như: hàng nông - lâm - thuỷ sản, hoa quả tươi, hầu hết xuất khẩu ở dạng thô, nên sức cạnh tranh thấp so với các sản phẩm tương tự của Trung Quốc, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách.

Để khắc phục những hạn chế trên, giải pháp cơ bản vẫn là phải tổ chức triển khai tốt Luật hải quan, cải cách thủ tục hành chính kiểm soát thu thuế xuất nhập khẩu, thu nội địa và kiểm soát chống buôn lậu và gian lận thương mại. Ngành tài chính cần triệt để khai thác các nguồn thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các đơn vị kinh doanh vận tải, khách sạn, nhà hàng,... tránh tình trạng thất thu kéo dài. Đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác thu ngân sách cần được kiện toàn, củng cố, làm trong sạch nội bộ. Nguồn thu có được tăng cường thì mới đảm bảo được nguồn chi để đẩy mạnh triển khai các dự án mang tính dài hơi, tạo động lực cho kinh tế phát triển, đặc biệt là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở như: đường giao thông, điện, trường học, trạm xá,...

Trước những thuận lợi và khó khăn của tỉnh, ngành tài chính Lạng Sơn phấn đấu tập trung hoàn thành dự toán thu chi ngân sách được Chính phủ giao hàng năm. Trên cơ sở phát huy nội lực, khai thác triệt để thế mạnh của tỉnh, ngành sẽ từng bước tạo ra nguồn thu ổn định, lâu dài, phân bổ hợp lý và sử dụng hiệu quả đồng vốn ngân sách nhà nước để tập trung các nguồn lực tài chính thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

Định hướng phát triển trong những năm tới

1) Xác định đúng vai trò của ngành trong quản lý thu ngân sách, cải cách thủ tục thu thuế xuất nhập khẩu, hoàn thuế và áp dụng triệt để chính sách "một cửa" để thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đến Lạng Sơn kinh doanh xuất nhập khẩu.

2) Tích cực tham mưu cho tỉnh về cơ chế, chính sách nhằm tạo ra nguồn vốn cho tỉnh thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển mục đích sử dụng đất, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút nhà đầu tư tham gia vào các dự án xây dựng khu đô thị mới.

3) Tăng cường quản lý hộ kinh doanh thương nghiệp, sắp xếp các ngành hàng ở chợ, mở thêm chợ nông thôn ở thị trấn, thị tứ gắn với việc mở rộng các trục đường giao thông vào thôn bản để nhân dân có điều kiện trao đổi hàng hoá, kích thích sản xuất tiêu dùng.

4) Quản lý chi được tăng cường trong việc quản lý đất đai, phối hợp với ngành địa chính kiểm tra đất đai của các doanh nghiệp và sẽ có chính sách thu hồi đất với những diện tích đất không sử dụng, nhất là các doanh nghiệp nhà nước.

5) Ưu tiên các khoản chi cho phát triển sản xuất, nhất là nông nghiệp, thuỷ lợi, giao thông - vận tải, giáo dục - đào tạo, y tế, tập trung xoá đói giảm nghèo để phấn đấu đến năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo còn 10 - 12%, không còn hộ đói.