Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Tài Chính

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá

Ngày 12/7/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 87/2024/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính trong quản lý giá. Nghị định có lực thi hành từ ngày 12/7/2024. Trong đó, Nghị định áp dụng với những đối tượng:

1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam; cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây viết tắt là cá nhân, tổ chức) thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

2. Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã; tổ chức được thành lập theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Thương mại; tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp; đơn vị sự nghiệp công lập; cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

3. Hộ kinh doanh, hộ gia đình, nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

Quy định về hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, điều tiết giá và cơ sở dữ liệu về giá

Theo Nghị định số 87/2024/NĐ-CP, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, điều tiết giá và cơ sở dữ liệu về giá được quy định ở từng điều khoản. Nội dung từ Điều 6 đến Điều 16 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực quản lý, điều tiết giá và cơ cở dữ liệu về giá.

Điều 6 quy định mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong chấp hành các biện pháp bình ổn giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi chấp hành không đúng, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp không chấp hành một trong những biện biện pháp bình ổn giá do cơ quan có thẩm quyền quy định.

Điều 10 quy định mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định về định giá và bán hàng hóa, dịch vụ không đúng với quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bán hàng hóa, dịch vụ không đúng mức giá, bán cao hơn hoặc thấp hơn mức tối đa của khung giá, bán cao hơn hoặc thấp hơn giá tối đa do Nhà nước ban hành, quy định thì bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Điều 11 quy định mức xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến quá trình hiệp thương giá. Mức phạt từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện đúng biên bản ghi nhận kết quả hiệp thương hoặc văn bản xác định mức giá do cơ quan hiệp thương giá.

Điều 12 quy định mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối hành vi vi phạm quy định về kê khai giá hàng hóa, dịch vụ. Kê khai không đủ các nội dung hoặc không đúng mẫu của văn bản kê khai giá thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và buộc phải nộp lại văn bản kê khai đủ các nội dung hoặc đúng mẫu; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi kê khai giá không đúng giá hoặc không kê khai giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mức phạt tăng dần tùy thuộc vào số lượng hàng hóa, dịch vụ vi phạm.

Điều 16 quy định mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm về việc xây dựng, khai thác, sử dụng cơ sở về giá đối với tổ chức, các nhân kinh doanh hàng hoá dịch vụ. Trường hợp không cung cấp hoặc cập nhật thông tin; cung cấp thông tin hoặc cập nhật thông tin về giá không đúng theo quy định; cung cấp thông tin hoặc cập nhật thông tin sai lệch vào cơ sở dữ liệu về giá thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dữ liệu về giá trong cơ sở dữ liệu về giá không đúng với mục đích đã được cơ quan có thẩm quyền quản lý cơ sở dữ liệu đó cho phép.

Quy định về hành vi vi phạm trong lĩnh vực thẩm định giá

Đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thẩm định giá, nội dung từ Điều 17 đến Điều 25 của Nghị định số 87/2024/NĐ-CP sẽ quy định rõ về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.

Điều 17 quy định về xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin: không công khai đầy đủ hoặc không công khai thông tin về thẩm định giá theo quy định. Mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và buộc công khai thông tin theo quy định.

Điều 20 quy định các mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định về lập, phát hành chứng thư thẩm định giá và báo cáo thẩm định giá.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng khi vi phạm về hình thức và nội dung của chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá;

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi vi phạm về thẩm quyền và thủ tục phát hành chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá;

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng khi vi phạm về tư cách của người lập và phát hành chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá;

Phạt từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lập hoặc phát hành chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá.

Điều 21 quy định các mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối hành vi vi phạm quy định về lưu trữ, bảo quản và khai thác hồ sơ thẩm định giá. Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu lưu trữ hồ sơ không đầy đủ hoặc không đúng quy định. Bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, thay đổi nội dung hồ sơ đã được lưu trữ. Bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu không có hồ sơ thẩm định giá do không lưu trữ theo quy định pháp luật.

Điều 22 quy định về Xử phạt hành vi vi phạm quy định về hành nghề thẩm định giá. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm về hành nghề thẩm định giá như không giải trình báo cáo thẩm định giá khi được yêu cầu, không thực hiện đúng các quy định về thu thập thông tin, phương pháp thẩm định giá theo Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam và giả mạo, cho thuê, cho mượn thẻ thẩm định viên.

Thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính

Điều 26 Nghị định quy định Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính. Những người có quyền lập biên bản vi phạm hành chính: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này; công chức, viên chức và người thuộc lực lượng Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao có quyền lập biên bản hành chính về những vi phạm hành chính thuộc phạm vi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao theo mẫu quy định và chịu trách nhiệm về việc lập biên bản.

Điều 27 quy định Thẩm quyền xử phạt hành chính của Thanh tra. Chánh Thanh tra bộ, Cục trưởng Cục quản lý giá có quyền phạt tiền lên đến 150.000.000 đồng; Chánh Thanh tra sở và Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan được giao chứng năng thanh tra chuyên ngành giá có thẩm quyền phạt tiền lên đến 50.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm theo quy định của Nghị định này. Các cơ quan thanh tra đều có quyền áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Điều 28 quy định Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt tiền lên đến 150.000.000 đồng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền phạt tiền tối đa 75.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm trong quản lý giá và áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phạt tiền tối đa không quá 5.000.000 đồng.

Điều 30 cho thấy Công an nhân dân có vai trò quan trọng trong việc xử lý vi phạm hành chính. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân được phân cấp cụ thể, từ cấp trung ương đến cấp cơ sở nhằm đảm bảo công tác xử lý vi phạm hành chính được thực hiện một cách hiệu quả và công bằng. Cấp cao nhất: Cục trưởng các cục thuộc Bộ Công an, Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền phạt tiền đến 150.000.000 đồng. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 75.000.000 đồng. Trưởng Công an cấp huyện và các Trường phòng nghiệp vụ có quyền phạt tiền đến 25.000.000 đồng. Trưởng Công an cấp xã và Trưởng các đơn vị cơ sở có quyền phạt tiền đến 2.500.000 đồng.

 

Đinh Hiền -  Phòng QLGCS&DN


Tác giả: Đinh Thị Hiền