Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Tài Chính

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghị định số 85/2024/NĐ-CP ngày 10/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giá

Luật Giá năm 2023 (Luật Giá) được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 19/6/2023 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Ngày 10/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giá, Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Trong đó, Nghị định quy định cụ thể về các nội dung:

1. Khoản 4 Điều 17 về trình tự, thủ tục điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

2. Khoản 3 Điều 20 về tổ chức thực hiện bình ổn giá.

3. Khoản 6 Điều 21 về trình tự, thủ tục điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

4. Khoản 3 Điều 24 về ban hành văn bản định giá hoặc điều chỉnh mức giá.

5. Khoản 6 Điều 27 về tổ chức hiệp thương giá.

6. Khoản 8 Điều 28 về kê khai giá.

7. Khoản 2 Điều 30 về hàng hóa, dịch vụ áp dụng giá tham chiếu và việc công bố, sử dụng giá tham chiếu.

8. Khoản 2 Điều 37 về công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.

9. Khoản 5 Điều 38 về xây dựng, quản lý, cập nhật và khai thác cơ sở dữ liệu về giá. 

Đối tượng áp dụng của Nghị định là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; người tiêu dùng; cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực giá, thẩm định giá trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo Nghị định việc định giá được thực hiện:

Hàng hóa, dịch vụ do một cấp định giá là hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Luật Giá, trong đó quy định một cấp có thẩm quyền định giá theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Luật Giá thực hiện định giá hàng hóa, dịch vụ.

 Hàng hóa, dịch vụ do hai cấp định giá là hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Luật Giá, trong đó quy định hai cấp có thẩm quyền định giá theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Luật Giá thực hiện định giá hàng hóa, dịch vụ (một cấp bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện định khung giá hoặc giá tối đa hoặc giá tối thiểu và một cấp bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện định giá cụ thể).

Trường hợp hai cấp định giá cùng là một cơ quan thì cơ quan này vừa định khung giá hoặc giá tối đa hoặc giá tối thiểu và vừa định giá cụ thể theo quy định.

Về thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước

Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Bộ Tài chính và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ có thẩm quyền, trách nhiệm trong hoạt động quản lý điều tiết giá của Nhà nước trong bình ổn giá, định giá và kê khai giá.

Trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở đề nghị của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; ban hành Nghị quyết điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có vai trò quan trọng trong trong hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước tại địa phương.

Đối với thực hiện bình ổn giá, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp bình ổn giá do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực quyết định; quyết định các biện pháp bình ổn giá theo thẩm quyền quy định tại điểm b khoản 2 Điều 20 của Luật Giá như sau: Điều hòa cung, cầu một số hàng hóa, dịch vụ; Các biện pháp về tài chính phù hợp với quy định của pháp luật; Định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ; việc định giá hàng hóa, dịch vụ được thực hiện theo các nguyên tắc, căn cứ, phương pháp quy định tại Mục 2 Chương IV của Luật Giá; Áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Đối với việc định giá, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo phân cấp định giá, thực hiện lập phương án giá hàng hoá dịch vụ, thẩm định phương án giá, trình và ban hành văn bản định giá theo quy định.

Việc lập phương án giá đối với hàng hóa, dịch vụ do hai cấp định giá, trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá thì lựa chọn trong các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; trường hợp Thủ tướng Chính phủ hoặc bộ, cơ quan ngang bộ định giá thì lựa chọn trong các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên phạm vi toàn quốc.

Việc tổ chức thẩm định phương án giá hàng hóa, dịch vụ do hai cấp định giá, đối với các hàng hóa, dịch vụ khác theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9 của Nghị định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công cơ quan, đơn vị chuyên môn trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ về quản lý ngành, lĩnh vực của hàng hóa, dịch vụ hoặc cơ quan hành chính cấp dưới theo địa bàn quản lý thực hiện việc thẩm định phương án giá, đảm bảo phù hợp với yêu cầu công tác quản lý nhà nước về giá tại địa phương và quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Cấp có thẩm quyền định giá có trách nhiệm ban hành văn bản định giá trong tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ bảo đảm điều kiện ban hành văn bản định giá; Văn bản định giá, điều chỉnh mức giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành dưới dạng thông báo hoặc quyết định hành chính phù hợp với tính chất của việc định giá.

Đối với kê khai giá, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ đặc thù thực hiện kê khai giá tại địa phương theo phân công tại Phụ lục V kèm theo Nghị định này phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về giá tại địa phương (nếu có). Điều 18 trong Nghị định có quy định thẩm quyền và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong tiếp nhận kê khai giá, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu về giá, sử dụng mức giá kê khai để phân tích thị trường và có quyền yêu cầu bổ sung thông tin trong trường hợp kê khai thiếu nội dung, tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kê khai giá theo thẩm quyền quản lý tiếp nhận kê khai giá.

Trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường

Bộ Tài chính tổ chức triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong điều hành đồng bộ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong điều hành kinh tế vĩ mô; tham gia với các bộ, ngành khác trong công tác điều hành giá thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cung cấp thông tin về chính sách tiền tệ, thị trường ngoại hối (Đô la Mỹ); phân tích đánh giá về diễn biến lạm phát cơ bản; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan trong việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp, biện pháp quản lý điều tiết giá.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố chỉ số giá tiêu dùng, cung cấp các thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế; tổng quan thị trường giá cả; phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để tính toán các chỉ số, chỉ tiêu quốc gia. 

Các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực tổ chức triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý. Cung cấp thông tin về cơ chế chính sách, tình hình thực hiện công tác quản lý, điều tiết giá thuộc thẩm quyền và các thông tin khác (nếu có).

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý, các bộ, ngành có trách nhiệm thực hiện tổng hợp, phân tích thông tin; dự báo giá cả và đề xuất các giải pháp về quản lý, điều tiết giá thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành.

Về xây dựng, quản lý, cập nhật và khai thác cơ sở dữ liệu về giá

Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá được xây dựng, thống nhất quản lý tại Bộ Tài Chính. Bộ Tài chính được quyền giao đơn vị chuyên môn trực thuộc tổ chức việc quản trị, điều hành toàn bộ hoạt động của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá; chịu trách nhiệm cập nhật các thông tin, dữ liệu và Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo thẩm quyền phân công quản lý hành hoá, dịch vụ.

Bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cập nhật các thông tin, dữ liệu vào cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo thẩm quyền phân công quản lý hàng hóa, dịch vụ.

Cơ sở dữ liệu về giá tại địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, thống nhất quản lý và phải được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý cơ sở dữ liệu về giá tại địa phương; được quyền giao cho cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức việc quản trị, điều hành toàn bộ hoạt động của hệ thống cơ sở dữ liệu về giá tại địa phương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cập nhật các thông tin, dữ liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 25 vào cơ sở dữ liệu về giá tại địa phương đồng thời cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá theo hình thức kết nối, chia sẻ dữ liệu từ cơ sở dữ liệu về giá tại địa phương đến Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá hoặc cập nhật thông tin, dữ liệu trực tiếp qua hệ thống tài khoản vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.

Các cá nhân, tổ chức bảo đảm thực hiện khai thác thông tin, dữ liệu từ cơ sở dữ liệu về giá theo đúng phân quyền trên hệ thống, sử dụng thông tin, dữ liệu từ cơ sở dữ liệu về giá đúng mục đích, phù hợp với tính chất, yêu cầu của nhiệm vụ, chịu trách nhiệm trong việc sử dụng, trích dẫn thông tin, dữ liệu từ cơ sở dữ liệu về giá, không được cung cấp thông tin, dữ liệu trực tiếp cho bên thứ ba với mục đích thương mại.

Đinh Hiền -  Phòng QLGCS&DN


Tác giả: Đinh Thị Hiền