Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước năm 2019, triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước năm 2020.
Ngày 10/01/2020, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về tổng kết công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước năm 2019, triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Hội nghị
Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Giám đốc: Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Cục Trưởng: Cục Thuế, Cục Hải quan và lãnh đạo một số phòng, ban của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống ngành tại chính.
Các đại biểu tham gia hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn
Tại Hội nghị, Bộ Tài chính đã đánh giá những kết quả đạt được trong công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2019, trong đó, nổi bật là công tác điều hành thu, chi NSNN được thực hiện chủ động, đảm bảo chặt chẽ, kỷ luật, kỷ cương, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; công tác hoàn thiện thể chế tiếp tục được chú trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính; cải cách hành chính, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả được đẩy mạnh; công tác thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách được tăng cường...
Về nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, chuẩn bị và tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030, cũng là năm tổ chức nhiều sự kiện, kỷ niệm những ngày lễ lớn, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào năm 2021. Để hoàn thành toàn diện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2020 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2016-2020, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01 ngày 1/1/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán NSNN năm 2020; Nghị quyết số 02 ngày 1/1/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2020, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/BCSĐ ngày 3/1/2020 về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính NSNN năm 2020…
Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành năm 2020 cần được tập trung triển khai như: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách trong lĩnh vực tài chính theo thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN; Điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, kỷ cương, công khai minh bạch và đảm bảo các cân đối lớn của đất nước. Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý NSNN; Cơ cấu lại các khoản thu NSNN; Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu NSNN, thu hồi nợ đọng thuế; quyết liệt chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chống gian lận giả mạo và gian lận xuất xứ hàng hóa; Điều hành chi NSNN theo dự toán được Quốc hội giao; Nâng cao hiệu quả quản lý chi NSNN và nợ công. Kiểm soát bội chi và nợ công trong giới hạn Quốc hội cho phép; Tiếp tục xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu và kỷ luật, kỷ cương hành chính...
Các đại biểu tham gia hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ Tài chính – Ngân sách nhà nước năm 2020, UBND tỉnh đã đề ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, cụ thể:
Một là, thực hiện nhiệm vụ tài chính- ngân sách gắn với các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, duy trì ổn định và phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp; quyết liệt chỉ đạo công tác thu ngân sách; quản lý, điều hành chi ngân sách theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm;
Hai là, tiếp tục tập trung thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước; góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp;
Ba là, tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hiệu lực, hiệu quả gắn với đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công;
Bốn là, tăng cường công tác quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; thực hiện điều tiết giá theo quy định của Luật Giá để bình ổn giá; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
Năm là, đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tiếp tục thực hiện kế hoạch và lộ trình thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; nâng cao chất lượng đầu tư, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và công khai, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp.
Sáu là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong xây dựng cơ chế, chính sách và thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi NSNN, đầu tư XDCB, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản,...; thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm toán.
Trung Hiếu – Phòng Quản lý Ngân sách